Trang chủ » eSports » Liên Minh Huyền Thoại » Liên Minh Huyền Thoại: Snake không thể quá phụ thuộc SofM

Liên Minh Huyền Thoại: Snake không thể quá phụ thuộc SofM

Team XemGame | 27/06/2016 10:15

Hãy
ủng hộ bọn mình để xem nhiều clip game mới hơn nhé!

Snake Esports đang có lối đánh dựa theo SofM rất nhiều, việc này có mặt lợi và mặt hại của nó.

Hãy cùng phân tích cách đánh Liên minh huyền thoại của SofM và đồng đội ảnh hưởng với nhau như thế nào.

SofM có ảnh hưởng rất lớn lên lối chơi của Snake

Dẫu biết Li “Flandre” Xuan-jun và Park “Tank” Dan-won đều là 2 người chơi có kĩ năng cá nhân cực cao cũng như sở hữu một lối đánh vô cùng chủ động. Nhưng trước khi Lê “SofM” Quang Duy góp mặt trong đội hình chính thức thì Snake thi đấu không được khởi sắc cho lắm và thực tế là rất rời rạc. Phong độ thấp của người đi rừng Zeng “ZZR” Zhan-ran ảnh hưởng đến toàn đội rất nhiều và chỉ đến khi SofM gia nhập, thổi một luồng gió mới vào lối chơi của SS thì đội tuyển này mới thực sự bừng tỉnh.

Với những tuyển thủ sở hữu lối chơi chủ động, mạnh mẽ và có khả năng tạo đột biến lớn thì lẽ dĩ nhiên những đồng đội của anh ta sẽ phải di chuyển, thi đấu xoay quanh chủ lực này. Ban huấn luyện của Snake cũng hiểu rõ điều này khi mà quyết định sử dụng SofM trong đội hình của mình khi mà cả Tank và Flandre đều có thể tạo áp lực lớn ở đường giúp cho lối đánh xâm lăng, áp đảo người đi rừng đối phương của SofM đạt được hiệu quả.

Thực tế, chiến thuật của Snake đã đạt được thành công bước đầu với những trận thắng chóng vánh trước Newbee, Saint Gaming, Invictus Gaming, Oh My God,… Người hâm mộ trong rất nhiều ván đấu đã được chứng kiến cảnh SofM hoàn toàn “nghiền nát” người đi rừng đối phương không phải chỉ bằng những điểm hạ gục mà là khả năng xâm lăng, cướp rừng triệt để. Với khả năng thích ứng tốt của SofM thì hiện tại Snake đang cạnh tranh với đối thủ Game Talents cho vị trí thứ 2 tại bảng A.

Đường trên của Flandre và đường giữa của Tank thực sự được hưởng lợi từ lối di chuyển của SofM với việc người đi rừng Việt Nam thường xuyên có mặt ở khu vực nửa trên của bản đồ. Những bước di chuyển của SofM thường xuất phát từ việc anh chàng này có thể đoán biết được đường đi nước bước của người đi rừng đối phương bằng khả năng tính toán thời gian các bãi quái, thông qua các con mắt, …

Ngoài việc thường có được chỉ số farm ngang bằng cho đến vượt trội so với đối thủ thì những tình huống gank của SofM cũng rất hiệu quả dựa trên những thông tin mà đồng đội cung cấp như đối phương không còn tốc biến, … . Tuy nhiên, thực tế Snake vẫn chưa phải đối đầu với 2 “ông kẹ” của LPL – EDward Gaming, Royal Never Give Up và Snake cũng đã chịu thất bại chóng vánh trước đội tuyển có phong độ thất thường – LGD Gaming.

Lối đánh của cá nhân SofM và Snake cũng đã bộc lộ ra những điểm yếu nhất định nhưng câu hỏi được đặt ra là vấn đề nằm ở tân binh SofM hay những đồng đội của tuyển thủ này?

SofM “nặng” hay đồng đội “nặng”?

Trong những trận thua của mình thì thực tế ở giai đoạn đầu trận SofM và Snake vẫn luôn làm cực kì tốt thậm chí còn áp đảo, dẫn trước đối phương tương đối nhiều. Nhưng họ lại gặp vấn đề trong những bước di chuyển của mình, điển hình trong ván đấu thứ nhất với LGD thì họ thường quá tự tin và dẫn tới việc bị LGD trừng phạt.

Snake thường nấn ná tương đối lâu sau khi có được những điểm hạ gục, LGD chỉ chờ có thế để dần dần lấy lại những lợi thế và cuối cùng lật ngược thế trận trong cả 2 ván đấu. SofM cùng đồng đội đã rất lúng túng dẫn tới những pha “hiến máu nhân đạo”, thua giao tranh và đỉnh điểm là tình huống người đi rừng của Snake bị bắt lẻ tại khu vực gần Baron ở phút thứ 30. Sau đó, ai cũng biết là LGD đã kiểm soát hoàn toàn thế trận và SofM đón nhận thất bại đầu tiên tại LPL.

Nhưng công bằng mà nói, qua 4 tuần thi đấu đã qua vừa rồi thì SofM và Snake luôn luôn có được những lợi thế nhất định trong giai đoạn đầu trận mà công lớn đương nhiên thuộc về SofM. Trận thua trước LGD là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ tập thể này khi họ đã quá tự tin, cá nhân SofM cũng đã không ít lần di chuyển hớ hênh đưa chính anh chàng này cùng đồng đội vào thế nguy hiểm.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trong cả trận đấu thì SofM vẫn là người thi đấu tròn vai nhất trong một ngày thi đấu mà cả Tank, Flandre hay Martin đều nhạt nhòa. Người hâm mộ Trung Quốc cũng đưa ra những lời chỉ trích tới đường trên và xạ thủ của Snake thậm chí một bộ phận còn bảo vệ người đi rừng tới từ Việt Nam sau trận thua bẽ bàng này!

Arecry: Vấn đề của đường dưới rất nghiêm trọng, đến nỗi Martin để thua Imp tới 100 chỉ số lính, mà ở giai đoạn đầu cũng đã thi đấu không đến nỗi nào, hỗ trợ thì không chịu cắm mắt trong rừng của mình dẫn đến rừng bên mình cả một màu tối um.

Flandre dường như không có não khi cả hai game đấu đều chọn một vị tướng mà chẳng làm nên được trò gì, chỉ có SofM vẫn thi đấu tốt mặc dù đã bị khắc chế nhiều. Tôi thấy trận đấu này giai đoạn đầu có chút khởi sắc cũng là bởi người đi rừng cố gắng mà thôi.

XiaoYiAi: Hôm nay SofM đã chơi tốt, xạ thủ và đường trên có lẽ có nhiều vấn đề, khi SofM bị khắc chế thì dường như không có ai có thể phát huy vai trò của mình cả, hy vọng Martin có thể ổn định phong độ, không nên quá thất thường như vậy. Cố lên Snake

XiaoXiang25: Xem hai trận đấu mà đau lòng. Xạ thủ thi đấu như mơ ngủ. Ở game 2 thì có lẽ do chiến thuật có vấn đề.

Bất kì đội tuyển nào cũng có thể thua (ngay cả SK Telecom cũng vậy mà thôi) nhưng việc Snake bị LGD khai thác những sai lầm, điểm yếu là rất đáng chú ý. Mặc dù sau đó SofM cùng đồng đội đã có được 2 chiến thắng trước World Elite và Oh My God thì người hâm mộ nếu tinh ý vẫn có thể nhận ra rằng những đường đi nước bước của SofM đang bị nghiên cứu rất kĩ càng.

Điển hình trong ván đấu thứ 2 trước đối thủ đang xếp ở cuối bảng B thì Tank gần như không có được một con bùa xanh nào. Những cái ping liên tục khi SofM tiến vào rừng tới từ các tuyển thủ OMG đã chứng tỏ rằng ngay cả một đội tuyển yếu tại LPL cũng hoàn toàn có thể nắm được hướng di chuyển của SofM chứ đừng nói đến những đội tuyển “già dơ” tại giải đấu này.

Lối đánh của SofM dù đã có những sự trưởng thành nhất định nhưng vẫn mang đậm hơi hướng hổ báo, bản năng và điều này có thể khiến anh chàng phải trả giá khi mà yếu tố bất ngờ đã không còn. Condi của World Elite cũng từng trừng phạt SofM và phá tan nát KDA của tân binh đi rừng này.

Việc các đội tuyển bắt bài SofM là không hề mới khi mà ngay cả ở giải đấu VCSA (Tiền thân của MDCS) thì lối đánh của SofM cũng từng bị các huấn luyện viên “mổ xẻ”, nghiên cứu cực kì kĩ lưỡng. Trong bối cảnh mà Snake rất cần sự bùng nổ của SofM để tạo điều kiện cho những Tank, Flandre tỏa sáng thì SofM đang rất cần sự cải thiện hơn trong lối di chuyển của mình.

Những bình luận viên nước ngoài cũng từng nói rằng SofM có vẻ chỉ đang “playing his own game” (chơi trò chơi của riêng mình) và anh chàng này cũng cần cải thiện rất nhiều. Bản thân SofM cũng đã nhận ra điều này và “Faker của Viêt Nam” từng chia sẻ rằng đang cố gắng học hỏi theo tuyển thủ Bengi của SK Telecom. Lối đánh kiểm soát bản đồ, phản gank mẫu mực chính là mục tiêu mà SofM đang hướng đến, và trong trận đối đầu tiếp theo với Royal Never Give Up sẽ là cơ hội để chàng trai trẻ tuổi này chứng tỏ khả năng của mình!

Kết

Nói đi cũng phải nói lại, Snake không thể quá phụ thuộc vào SofM mà cần sự chia lửa đến từ những Tank, Flandre hay Martin. Trong những trận thua thì việc SofM “nặng” hay đồng đội “nặng” được đánh giá theo rất nhiều chiều và với rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Cá nhân các tuyển thủ và ban huấn luyện hiểu rõ yếu điểm của Snake hơn bất kì ai và chúng ta có thể tin tưởng rằng chắc chắn SofM đang cố gắng để cải thiện bản thân mình hơn bao giờ hết. Trong tuần thi đấu tiếp theo Snake sẽ đối đầu với Royal Never Give Up (15h00 ngày 9/7) các bạn hãy chú ý để cổ vũ cho SofM nhé!

Theo lienminh360

Liên Minh Huyền Thoại

Liên Minh Huyền Thoại

▪ Đánh giá: 7.4 sao (2636 lượt)

▪ HĐH: PC

▪ Thể loại: MOBA

▪ Nhà phát hành: VNG

GAME HOT TRONG TUẦN
GAME HOT TRONG THÁNG

Clip hot trong ngày