Trang chủ » Chuyện làng game » Phim siêu anh hùng đã bắt đầu đen tối từ khi nào ?

Phim siêu anh hùng đã bắt đầu đen tối từ khi nào ?

Team XemGame | 19/04/2016 9:00

Hãy
ủng hộ bọn mình để xem nhiều clip game mới hơn nhé!

Những năm gần đây, khi siêu anh hùng là những nhân vật từ truyện tranh bước ra. Thì càng lúc, các siêu anh hùng càng trở nên u ám.

Vào những ngày đầu của lịch sử truyện tranh, các người hùng trong truyện thường được nhìn nhận chỉ bằng hai màu đen và trắng – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa ẩn dụ. Họ là những người hoặc tốt hoặc xấu, chứ không có việc tốt xấu đan xen hay nằm trong khu vực “màu xám”. Những siêu anh hùng lúc này không cần đấu tranh nội tâm về việc nhân sinh quan của mình ảnh hưởng như thế nào đến thế giới, đơn giản hơn là việc cân nhắc có nên tiêu diệt kẻ xấu hay không. Nói chính xác hơn, anh hùng đã luôn là những người tốt đội chiếc mũ trắng, trở thành hình mẫu cho những đứa trẻ, người luôn giúp một bà cụ già qua đường, cứu một chú mèo trên cây hay đơn giản là đánh răng sạch sẽ trước khi ngủ.

sieuanhhunguam_18_4_3.PNG (461×288)
Siêu nhân – hình ảnh chuẩn mực thường xuất hiện trong các ấn phẩm tuyên truyền dành cho trẻ em

Có thể nhìn nhận những nhân vật siêu anh hùng trong những thập niên trước đây qua một màng lọc đạo đức – thứ đã được tạo ra xuyên suốt quãng thời gian mà chuẩn mực xã hội hoàn toàn khác với bây giờ. Khi sự phát triển của xã hội ngày càng trở nên phức tạp và những ranh giới tốt xấu nhiều lúc trở nên lẫn lộn, những nhân vật trong truyện cũng phát triển theo – và thường được bao bọc bởi những xung đột đa chiều. Hơn nữa, truyện tranh và phim ảnh siêu anh hùng ngày nay còn nắm giữ nhiều chủ đề cấm kị mà các chương trình truyền hình hay phim ảnh thuộc thể loại khác còn không dám đăng tải, ví dụ như bạo lực gia đình, căng thẳng sắc tộc, hôn nhân giữa các chủng tộc, cũng như đồng tính luyến ái.

sieuanhhunguam_18_4_1.PNG (624×468)
X-Men vốn được xem là sự ẩn ý về nạn phân biệt màu da và đồng tính luyến ái, và những năm gần đây thì các chủ đề này càng được khai thác mạnh bạo hơn

Siêu anh hùng ngày nay được khắc họa thẳng thắn và sinh động hơn về tình dục và bạo lực, đã mở cửa cho các tác giả và nghệ sĩ truyện tranh thỏa sức khai phá thêm những cốt truyện trưởng thành hơn. Nhưng liệu những nội dung như vậy có phải là thứ mà các bậc phụ huynh thực sự muốn các nhà làm phim Hollywood giới thiệu tới con em họ ở ngoài rạp?

Thời kì đầu khi những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh xuất hiện, những Batman (1966) hay Superman (1978) đều hướng đến đối tượng ra rạp chính là trẻ em, phụ nữ và tuổi thiếu niên. Đặc điểm của anh hùng thời kỳ này là họ có tạo hình sát với nguyên tác, với những phục trang bắt mắt cùng những chuẩn mực đạo đức vô cùng cao quý.

Vượt trên mục đích rõ ràng là kiếm lời ở hạng mục PG, người ta kì vọng rằng những bộ phim hay truyện tranh này sẽ thân thiện với trẻ nhỏ, hoặc ít nhất là thân thiện với cả gia đình. Hollywood đã tiếp tục cố gắng theo xu hướng đó với những phần tiếp theo của Superman, cho đến khi Spawn xuất hiện năm 1997 – bộ phim chuyển thể từ truyện tranh dành cho người trưởng thành đầu tiên được ra rạp.

sieuanhhunguam_18_4_4.PNG (800×450)
Spawn dựa trên nhân vật cùng tên của Image Comics, là bộ phim siêu anh hùng xếp hạng R đầu tiên trong lịch sử

Dĩ nhiên điều này hoàn toàn không làm các xưởng phim bận tâm vì họ biết phần lớn phụ huynh sẽ không kéo những đứa trẻ dưới mười tuổi của họ ra rạp để xem một bộ phim kinh dị và bạo lực được xếp hạng hạng R. Đặc trưng riêng dễ thấy ở những bộ phim-truyện tranh hạng R là chửi rủa, bạo lực, và tình dục công khai – những thứ mà người ra rạp không mấy liên hệ với lý tưởng về siêu anh hùng.

Đa số những người hâm mộ truyện tranh nhận thức rõ về những gì tạo nên một nhân vật phản anh hùng (anti-hero) gai góc và không chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, và có lẽ sẽ thất vọng nếu những nhân vật đó bị nhào nặn vì sức mạnh của đồng tiền và trở nên “nhu mì hóa”. Blade, Spawn, The Punisher, Daredevil, Jessica Jones, Deadpool, The Watchmen – tất cả những nhân vật đó phát triển mạnh mẽ, được tự do sáng tạo nhờ được xếp hạng R (hoặc hạng TV-MA đối với các chương trình TV). Song, việc nhập nhằng giữa xếp hạng PG-13 và R trong dòng phim siêu anh hùng thỉnh thoảng lại khiến các bậc phụ huynh phải đau đầu.

sieuanhhunguam_18_4_2.PNG (585×390)
Deadpool là nhân vật phản anh hùng tạo ấn tượng tốt nhờ xếp hạng R của phim

Hãy lấy Batman v Superman: Dawn of Justice – bộ phim siêu anh hùng ra rạp gần đây nhất làm ví dụ: sẽ có nhiều điều khiến cha mẹ phải tạm dừng bộ phim trước khi cho con họ xem hai siêu anh hùng – nổi tiếng, dễ nhận ra nhất, và tiêu biểu cho sự thân thiện với trẻ nhỏ – đối đầu nhau. Cảnh Clark và Lois khỏa thân trong bồn tắm, cảnh Batman đánh những kẻ xấu không thương tiếc (sau đó ném chúng vào tù vì tội giết người) và sự phá hoại có chủ đích là những gì được thể hiện xuyên suốt qua phim. Chẳng phải chúng quá bạo lực và ám ảnh so với cái mác PG-13 của mình?

sieuanhhunguam_18_4_6.PNG (624×351)
Một cảnh trong “Batman v Superman: Dawn of Justice”

Hay như trước đó, series phim X-men còn đi xa hơn, khi cho nhân vật Wolverine chửi thề trong phần phim X-Men: First Class. Dù rằng sau đó nhà sản xuất có cam kết đây chỉ là “chuyện một lần”, nhưng phụ huynh nào còn dám tin tưởng nữa? Về bản chất, các xưởng phim xem siêu anh hùng như một miếng bánh, và họ tìm mọi cách, mọi hình thức để xâu xé nó. Trong khi đó, trách nghiệm cho trẻ em xem những gì cuối cùng lại đặt trên vai của cha mẹ chúng, còn những nhà làm phim siêu anh hùng cảm thấy khuây khỏa vì sẽ chẳng có tội lỗi nào thuộc về họ.

Nếu không thiên vị Marvel hơn DC, hoặc ám chỉ cái này tiếp cận tốt hơn cái kia, thì Marvel có vẻ đang giữ lấy ý tưởng làm những phim siêu anh hùng thu hút lượng lớn khán giả ở mọi độ tuổi. Mỗi phim xuất hiện trong MCU (vũ trụ phim Marvel), bắt đầu từ Iron Man, bao gồm cả bạo lực và những vấn đề người lớn, nhưng không cho phép những đoạn đối thoại hay chém giết gần ngưỡng R xuất hiện (dù không khí và lời lẽ trong Iron Man 3 khá đen tối). một vài người hâm mộ tận tụy cho rằng Disney đã vắt kiệt nhiều nhân vật phổ biến và nổi tiếng để kiếm tiền – nhưng các bậc phụ huynh sẽ cho rằng “Điều đó có thực sự là vấn đề?”.

sieuanhhunguam_18_4_7.PNG (570×379)
Marvel có vẻ quảng bá tốt hơn hình ảnh thân thiện về những siêu anh hùng

Để nhắc lại, hoàn toàn không có gì sai với một bộ phim chạm vào mặt tối của Bruce Wayne, tính chất bạo lực của Batman, hay sự xung đột về nội tâm và đạo đức của Superman, đồng thời bàn luận về cách xã hội nhìn nhận những nhân vật này như những vị thần vượt ngoài tầm với.

Tuy nhiên, nếu các hãng muốn theo con đường đen tối, thì họ cần thay đổi cách “bán” những bộ phim này cho giới trẻ – trừ khi họ nghĩ rằng cha mẹ muốn mua cho con mình một thương hiệu Batman với súng ống cho Giáng sinh (và những mô hình nhân vật mang tính tình dục được bán riêng lẻ). Hoặc là như vậy, hoặc hệ thống đánh giá MPAA cần phải đại tu toàn diện.

sieuanhhunguam_18_4_5.PNG (618×294)
Những đồ chơi thường được bầy bán ở các cửa hàng tại Mỹ

Vậy suy nghĩ của bạn là gì – liệu có nên thay đổi chiến lược tiếp thị cho những phim siêu anh hùng đen tối và bạo lực hơn, hay MPAA phải nghiêm ngặt hơn với hệ thống đánh giá của họ, hay giữ nguyên mọi thứ? Hãy cho kênh 14 biết ý kiến của bạn ở mục bình luận.

Nguồn : Kenh14

GAME HOT TRONG TUẦN
GAME HOT TRONG THÁNG

Clip hot trong ngày